Phụ nữ thường mắc những căn bệnh ung thư nào?
So với nam giới, phụ nữ phải chịu nguy cơ ung thư cao hơn hẳn, đặc biệt là các chứng ung thư phụ khoa như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung,…
Ung thư phụ khoa là cụm từ dành chung cho các ung thư xuất phát từ phần phụ của nữ giới. Gọi là phần phụ song thực chất đây là cơ quan chính có chức năng sinh sản, gồm các bộ phận quan trọng: buồng trứng, vòi trứng, tử cung (dạ con), cổ tử cung, âm đạo và bộ phận sinh dục ngoài. Đáng lo ngại là những cơ quan này lại có nguy cơ ung thư cao hơn nhiều lần so với các bộ phận khác trên cơ thể.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư đường sinh dục thường gặp nhất ở phụ nữ. Nguy cơ ung thư buồng trứng xảy ra ở mọi độ tuổi và thường được phát hiện muộn do bệnh không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Hơn nữa, vị trí của buồng trứng tiếp xúc với ổ bụng, do đó thường có di căn xa từ rất sớm.
Tỉ lệ phụ nữ Việt Nam có nguy cơ ung thư buồng trứng đang ở mức đáng quan ngại. Ảnh minh họa
Hầu hết bệnh nhân sẽ không có một triệu chứng nào nhất định ở giai đoạn đầu của bệnh, thậm chí nếu có cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Mỗi bệnh nhân bị ung thư buồng trứng cũng có thể thấy xuất hiện những dấu hiệu khác nhau chứ không giống nhau hoàn toàn.
Một số bệnh nhân có thể có hiệu như đau bụng, đầy hơi, đau lưng, buồn nôn, thường xuyên đi tiểu gấp, tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi. Một số bệnh nhân khác sẽ có những triệu chứng rõ rệt hơn như đau vùng chậu, xuất huyết bất thường ở âm đạo, hoặc sút cân ngoài ý muốn. Tuy nhiên, đặc điểm chung là những triệu chứng này kéo dài hoặc xấu dần đi một cách từ từ.
Ung thư cổ tử cung
Triệu chứng điển hình của bệnh này là chảy máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là sau khi giao hợp.
Bệnh có thể gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần; có nhiều bạn tình, bị nhiễm vi rút đường sinh dục, đạc biệt là vi rút paplloma; phụ nữ hút thuốc lá, dùng thuốc ức chế, giảm miễn dịch; con gái của những phụ nữ điều trị bằng thuốc chống sảy thai trong thời kỳ mang thai.
Cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm là khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo; nội soi cổ tử cung; phiến đồ tế bào âm đạo Pap’ smear, xét nghiệm SCC.
Ung thư nội mạc tử cung là một trong số những bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới, xếp thứ ba trong số các loại ung thư phụ khoa dẫn đến tử vong, chỉ đứng sau ung thư buồng trứng và ung thư tử cung. Bệnh xuất hiện hầu hết ở những người trên 50 tuổi; người quá sản nội mạc tử cung; phụ nữ béo phì.
Nguy cơ ung thư phụ khoa thường xảy ra ở phụ nữ béo phì, mãn kinh. Ảnh minh họa
Ngoài ra, không sinh đẻ, dậy thì sớm, mãn kinh muộn cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Ung thư nội mạc tử cung thường xuất hiện sau tuổi mãn kinh và nên đi khám nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng như: Chảy dịch, chảy máu âm đạo bất thường; đi tiểu khó hoặc đau; đau khi giao hợp; đau vùng chậu hông.
Ung thư vú
Tất cả mọi người đều có nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là phụ nữ trên 50 tuổi, những người từng bị ung thư vú một bên, phụ nữ có kinh nguyệt trước 12 tuổi, người mãn kinh sau tuổi 50, những người không có con hay có con sau tuổi 30.
Phụ nữ béo phì có nguy cơ ung thư vú cao, nhất là béo sau tuổi mãn kinh, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, uống rượu, hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất diệt sâu bọ… Trường hợp trong gia đình có người từng bị ung thư sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với bình thường. Do đó, các trường hợp này nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư vú sớm hơn.
Ở giai đoạn đầu, ung thư vú hầu như không có triệu chứng rõ rệt, nhưng nếu thấy núm vú đau, loét hoặc có nước, dịch chảy ra, xuất hiện bướu, khối u ở vú, nách dù không đau hay hình dáng vú có thay đổi, núm vú lõm vào bên trong, da nhăn, sần… thì cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Ung thư âm hộ là một loại ung thư hiếm gặp, xảy ra trên diện tích bề mặt ngoài của cơ quan sinh dục nữ. Các hình thức ung thư âm hộ thường như một khối u hoặc đau ở âm hộ là nguyên nhân gây ngứa và đau đớn. Mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ung thư âm hộ thường được chẩn đoán ở phụ nữ lớn tuổi.
Chị em nên thường xuyên đi khám sức khỏe để phòng ngừa nguy cơ ung thư phụ khoa. Ảnh minh họa
Ung thư âm hộ có khả năng chữa khỏi cao khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Tỷ lệ sống sót phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng giải phẫu bệnh học của hạch bẹn. Các triệu chứng ban đầu của ung thư âm hộ có thể bao gồm: U, bướu giống như mụn cơm hay đau loét., ngứa âm đạo, da vùng âm đạo thay đổi màu sắc, chảy máu giữa chu kì kinh nguyệt…
Những biện pháp làm giảm nguy cơ ung thư phụ khoa ở phụ nữ:
– Thực hành tình dục an toàn. Nên sử dụng bao cao su khi có quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
– Tiêm vacxin phòng ung thư cổ tử cung trước 26 tuổi.
– Tiến hành khám phụ khoa theo định kì, đặc biệt không được bỏ qua thủ tục xét nghiệm pap smear để chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung.
– Giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là trong những ngày có “đèn đỏ”.
Theo Suckhoedoisong