5 bệnh phụ nữ không được coi thường, đặc biệt cẩn trọng
Có những “bệnh” không nghiêm trọng, nhưng có những “bệnh” với phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ sau này. Vì vậy, dù bạn mới mười tám – đôi mươi hay mới lập gia đình, bạn cũng cần hết sức lưu ý đến 5 “bệnh” cơ bản sau đây. Chúng có thể gây nên sự hiếm muộn, nếu không phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị đúng.
1. Thưa thớt hoặc vắng bặt “ngày ấy”
Chu kỳ “đèn đỏ” là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất để đánh giá sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Nhiều chị em không ý thức hết tầm quan trọng của việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí khi bác sĩ hỏi kỳ kinh cuối ngày nào thì ngập ngừng, suy nghĩ rất lâu, sau đó trả lời là… không nhớ! Thậm chí, có người chỉ quan tâm đến chu kỳ nếu như lỡ có sự “gần gũi” nào đấy và sợ có thai. Chứ còn lại, có hay không, đều hay thưa cũng chẳng quan tâm, còn cho rằng kinh thưa thì… khỏe, khỏi phải mệt mỏi vì “những ngày ấy”.
Suy nghĩ này hết sức nguy hại. Thực tế, bạn cần có một cuốn sổ nhỏ, ghi chép rất cụ thể ngày bắt đầu, ngày kết thúc của mỗi chu kỳ. Khi có bất kỳ sự khác thường nào: Chu kỳ ngắn hơn, dài hơn, lượng máu nhiều hơn, ít hơn… đều cần phải được chú ý quan tâm. Đặc biệt, nếu như đã qua tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt (vô kinh) thì lập tức phải đi khám bác sĩ chứ không thể để đó chờ đến khi nào… rảnh hay lập gia đình mới tính.
Vô kinh có thể là nguyên phát (từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ thấy kinh) hay thứ phát (đã từng có kinh nhưng sau đó không có kinh nữa hay là kinh rất thưa trên 6 tháng mới có kinh một lần). Vô kinh có thể do rất nhiều lý do như: dị tật bẩm sinh đường sinh dục (không có tử cung, không có âm đạo), không rụng trứng, suy buồng trứng sớm ở phụ nữ còn trẻ nguyên phát hay sau điều trị có mổ cắt buồng trứng hay hóa trị xạ trị do ung thư. Nếu vô kinh do không rụng trứng có thể kích thích buồng trứng để có con. Nếu do suy buồng trứng thì sau này bạn sẽ phải xin trứng của người khác mới có thể làm mẹ.
Hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán khi bệnh nhân có 2 trong 3 nhóm triệu chứng sau đây:
– Triệu chứng lâm sàng: Rối loạn kinh nguyệt (kinh thưa, hay vô kinh), béo phì, rậm lông.
– Triệu chứng nội tiết: Tăng nội tiết tố nam và LH.
– Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
Nếu bị hội chứng buồng trứng đa nang và không có con nên đến cơ sở điều trị hiếm muộn để được điều trị bằng cách sử dụng các thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng.
Cơ chế bệnh sinh của hội chứng này chưa được tìm ra nên không có cách phòng tránh. Tuy nhiên, trong hội chứng buồng trứng đa nang, trên 50% bệnh nhân có tình trạng béo phì và béo phì cũng làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Do đó, ngay từ khi còn trẻ, bạn nên chú ý chế độ ăn uống và tập thể dục, tránh béo phì gây khó khăn trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang nếu chẳng may mắc phải. Nên tập thói quen khám phụ khoa đều đặn để bác sĩ có thể theo dõi sát sao tình trạng bệnh.
3. Các bệnh phụ khoa
Từ khi còn dậy thì, bạn đã nên quan tâm đến vệ sinh vùng “cấm địa”. Luôn giữ sạch sẽ, mặc nội y thoáng mát, thay thường xuyên mỗi ngày và tránh ngâm người, tắm trong môi trường nước bẩn.
Khi có bất kỳ dấu hiệu ngứa, ra dịch đục nào từ âm đạo (trừ huyết trắng sinh lý màu trắng trong suốt như lòng trắng trứng gà, không ngứa) đều cần được quan tâm. Cần giữ thói quen đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng ngay cả trước khi có ý định có con, chứ không phải chỉ tìm đến bệnh viện khi chuẩn bị mang thai hoặc sinh em bé.
4. Suy buồng trứng, rối loạn phóng noãn
Kinh nguyệt không đều đặn và dần tắt hẳn có thể là dấu hiệu của suy buồng trứng. Cần theo dõi kỹ khi thấy chu kỳ hàng tháng không đều. Khi phát hiện bệnh, tùy chỉ định của bác sĩ, có thể uống thuốc nội tiết tố để có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, giữ cho tử cung bình thường. Còn khi lập gia đình thì phải đến ngay cơ sở điều trị hiếm muộn để được khám, chẩn đoán và điều trị.
Rối loạn phóng noãn cũng thường gây khó có thai và việc điều trị phải sử dụng các loại thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng. Thông thường tỷ lệ có thai đạt được sau mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng khoảng 30%. Kích thích buồng trứng thường không làm quá nhiều lần trên một bệnh nhân nên không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và cũng không gây ảnh hưởng lên sức khỏe thai nhi.
5. Thiếu nội tiết tố nữ
Rất dễ nhận ra dấu hiệu này vì người thiếu nội tiết tố đến tuổi trưởng thành ngực vẫn phẳng lì “trước sau như một”, núm vú cũng rất nhỏ. Để xác định chính xác, cần đến cơ sở chuyên khoa để xét nghiệm nội tiết: FSH, Estradiol và được khám phụ khoa để chẩn đoán. Giải thích ngắn gọn, xét nghiệm nội tiết được thực hiện để khảo sát tình trạng hoạt động của buồng trứng cũng như khả năng dự trữ noãn của buồng trứng. Ngoài ra, xét nghiệm nội tiết còn được dùng để theo dõi sự phát triển nang noãn và có rụng trứng trong chu kỳ muốn khảo sát hay không.
Có một điều cần lưu ý là xét nghiệm nội tiết không phải lúc nào cũng làm được ngay như xét nghiệm máu hay xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm nội tiết phải thực hiện theo đúng ngày của chu kỳ hàng tháng. Chính vì thế, có nhiều bệnh nhân phải đợi đến mấy tuần mới làm được đầy đủ các xét nghiệm này.
Chẳng hạn như: Ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 vòng kinh: xét nghiệm FSH, LH; Ngày thứ 21 của vòng kinh 28 ngày: Xét nghiệm PRG (Progesterone); Bất kỳ ngày nào của vòng kinh: xét nghiệm PRL (Prolactin), Tetosterone, E (Estrogen).
Các trường hợp cần làm xét nghiệm nội tiết tố là:
– Tất cả những phụ nữ vô kinh nguyên phát (chưa bao giờ có kinh) hoặc vô kinh thứ phát (trước đây từng có nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà kinh thưa, nhiều tháng mới có hoặc không có).
– Tất cả người phụ nữ có chu kỳ kinh không đều hoặc chu kỳ kinh kéo dài trên 35 ngày.
– Tất cả phụ nữ 35 tuổi trở lên.
– Tất cả những trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm.
– Tất cả những phụ nữ cho trứng.
CÁC NGUYÊN NHÂN CHÍNH CỦA HIẾM MUỘN DO NỮ
– Vòi trứng, viêm vòi trứng: do lậu cầu, chlamydia… làm tổn thương niêm mạc vòi trứng, lớp biểu mô có lông tơ của vòi trứng bị phá hủy nên trứng và tinh trùng khó hoặc không di chuyển được trong vòi trứng; dính vòi trứng: do phẫu thuật vòi trứng hay vùng hạ vị, lạc nội mạc tử cung.
– Sự rụng trứng bất thường: không rụng trứng hoặc rụng trứng không đều, thường kèm theo dấu hiệu kinh ít, kinh thưa, vô kinh. Không rụng trứng là do rối loạn chức năng của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng gặp ở người quá gầy hay quá béo; suy buồng trứng sớm là một hội chứng hay gặp ở những phụ nữ có “kháng thể kháng buồng trứng” hoặc do buồng trứng bị kích thích quá mức, gây cạn nguồn nang noãn. Rụng trứng không đều khi: thiếu sự phối hợp giữa buồng trứng và tuyến yên mặc dù nồng độ estrogen và gonadotrophin bình thường; buồng trứng đa nang, do nồng độ LH cao nên nang noãn phát triển bất thường…
– Lạc nội mạc tử cung, sẽ gây dính tử cung, buồng trứng, vòi trứng vào ruột hay các cơ quan lân cận làm cho trứng không di chuyển được vào vòi trứng.
– Cổ tử cung, chất nhầy cổ tử cung có kháng thể kháng tinh trùng làm tinh trùng bị kết dính hay không hoạt động được và bị thải ra ngoài.
Theo Bau